Hai “ông lớn” viễn thông VNPT và Viettel nhận
định thị trường viễn thông năm 2010 có thể xảy ra chiến tranh giá cước,
đề xuất dùng giá sàn để bảo toàn lợi nhuận.
Tại hội nghị
tổng kết ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) cuối tuần qua tại
Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ tập đoàn Viettel dự báo “thị
trường viễn thông năm nay rất có thể sẽ xảy ra cuộc chiến tranh giá
cước” giữa các nhà cung cấp dịch vụ.“Đa số các nhà đầu tư nước
ngoài dự đoán chiến tranh giá cước viễn thông ở Việt Nam không xảy ra
trong năm 2010 thì chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2011 nếu không có sự
can thiệp của Chính phủ”, ông Hùng nói.VNPT cũng bày tỏ lo ngại
về cạnh tranh giá cước. “Thị trường năm nay khá thuận lợi nhưng cạnh
tranh sẽ gay gắt hơn”, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT tập đoàn VNPT
nói vậy tại hội nghị tổng kết ngành TT&TT. “Nếu doanh nghiệp viễn
thông muốn tăng trưởng khả quan sẽ phải cố gắng rất nhiều”.Ông
Trận cho biết năm nay VNPT tập trung phát triển mạng lưới theo chiều
sâu, đặc biệt sẽ cung cấp nhiều loại dịch vụ gồm cả nội dung số trên nền
hạ tầng mạng thế hệ mới NGN, 3G và cáp quang. “Chúng tôi hy vọng những
loại dịch vụ này sẽ bồi đắp cho phần doanh thu giảm đi do cạnh tranh gây
ra”, ông Trận nói.
Lợi nhuận di động giảm mạnh VNPT và Viettel lo ngại tiếp
tục chạy đua giảm giá cước với các doanh nghiệp mới sẽ dẫn đến không có
lãi. Ảnh Beeline tiếp thị hình ảnh.
Năm 2009,
Vietnamobile (thương hiệu mới của HT Mobile sau khi chuyển đổi công nghệ
từ CDMA sang GSM) ra mắt với giá cước cuộc gọi rẻ hơn 25%, giá cước tin
nhắn rẻ hơn 17%. Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng di động thứ 7 Beeline
với gói cước “nói quên ngày tháng” Big Zero miễn cước cuộc gọi từ phút
thứ 2 đến phút thứ 20 đã làm cho cạnh tranh trên thị trường di động trở
nên khốc liệt hơn hẳn. Chấp nhận doanh thu trên thuê bao thấp để cạnh
tranh, Vietnamobile và Beeline đã buộc các mạng di động lớn bước vào
cuộc đua giảm cước cuộc gọi nội mạng, sau đó là cước tin nhắn. Tháng
6/2009, ba mang di động lớn VinaPhone, Viettel và MobiFone đồng loạt
giảm cước chưa từng có từ 10-30%.Nhờ cạnh tranh, số lượng thuê
bao di động trong năm 2009 tăng mạnh. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cả
nước có 110 triệu thuê bao di động tính đến cuối năm 2009. Viettel đã
phát triển mới 42,3 triệu thuê bao di động, trong đó có 16 triệu thuê
bao hoạt động hai chiều. Mạng di động mới Beeline thu hút được 2 triệu
thuê bao, còn Vietnamobile hiện có khoảng 4 triệu thuê bao.Theo
số liệu Bộ TT&TT công bố, doanh thu lĩnh vực bưu chính viễn thông,
trong đó chủ yếu từ viễn thông, đã tăng 61% trong năm 2009, đạt 143.314
tỷ đồng.Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của viễn thông đang
suy giảm nhanh. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh) công
bố cuối quý IV năm ngoái cho thấy doanh thu bình quân trên thuê bao di
động (ARPU) của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Năm 2008, ARPU đạt 6 USD,
giảm 8% so với năm 2007 là 6,5 USD. Trong năm 2009, BMI dự đoán ARPU
trong năm 2009 sẽ giảm khoảng 21% do cạnh tranh.BMI dự báo sau
năm 2009, sự sụt giảm ARPU sẽ chững lại, khoảng 13,7% trong năm 2010 và
7,4% trong năm 2011. Đến năm 2013, ARPU chỉ đạt khoảng 3,6 USD. Tuy
nhiên, hãng nghiên cứu thị trường này cũng cảnh báo việc Bộ TT&TT
đưa ra quy định giảm khoảng 30% cước kết nối giữa các mạng điện thoại di
động từ ngày 15/1/2010 có thể sẽ góp phần làm ARPU giảm nhanh hơn.Năm
2009, Viettel đạt lợi nhuận đạt 10.000 tỷ đồng trên doanh thu 60.000 tỷ
đồng, tức khoảng 16,6%. Trong khi đó, năm 2008, Viettel đạt lợi nhuận
6.600 tỷ đồng trên 33.000 tỷ đồng doanh thu, tức khoảng 20%, Như vậy, tỷ
lệ lợi nhuận trên doanh thu Viettel đã giảm khoảng 3,4 điểm phần trăm
trong năm vừa qua.
Nên áp giá sàn? Ông Nguyễn Mạnh Hùng
lo ngại, “nếu xảy ra chiến tranh giá cước, các doanh nghiệp viễn thông
sẽ không có lãi nữa. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không có khả năng đầu tư
phát triển hạ tầng vào những vùng sâu, vùng xa. Và Việt Nam cũng không
có doanh nghiệp lớn để đầu tư ra nước ngoài”.Để chặn nguy cơ cạnh
tranh giá cước leo thang, Phó TGĐ tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đề
nghị Bộ TT&TT sớm ban hành giá sàn cước di động. Viettel đề nghị giá
sàn của năm 2010 và 2011 là 800 đồng/phút cước dịch vụ di động, khuyến
mại SIM/thẻ không vượt quá 50%. Ngoài ra, ông Hùng còn đề nghị “có chế
tài nghiêm túc, thậm chí có thể rút giấy phép các doanh nghiệp không
thực hiện nghiêm”. Tại hội nghị tổng kết ngày 15/1, Bộ trưởng Bộ
TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu quản lý cả giá
sàn dịch vụ di động, chứ không chỉ quản lý giá trần như hiện nay. Việc
này theo Bộ trưởng là “để đề phòng một số doanh nghiệp giảm giá dưới giá
thành để thôn tính thị trường, sau đó tăng giá trở lại”.Hiện
nay, việc quản lý giá cước viễn thông chỉ áp dụng với các doanh nghiệp
chiếm thị phần khống chế để ngăn các doanh nghiệp này cản trở sự tham
gia thị trường của các doanh nghiệp mới. Đây là điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp mới và không chiếm thị phần khống chế như Beeline và
Vietnamobile có cơ hội cạnh tranh. Vì vậy, nếu áp giá sàn di động ở mức
cao, đó sẽ là thách thức thực sự cho các doanh nghiệp nhỏ.