Nhiều chuyên gia khẳng định khủng hoảng chính
trị hiện nay ở Thái Lan nếu có chấm dứt cũng sẽ để lại dư
chấn nặng nề đối với nền kinh tế quốc gia. AP có bài viết phân
tích về những hậu quả của đợt khủng hoảng chính trị vừa qua
đến nền kinh tế Thái và cơ hội của các nước láng giềng.Cuộc chiến đẫm máu trên đường phố Bangkok sẽ ngăn
chặn nguồn đầu tư ngoại tệ vào Thái Lan trong nhiều năm và khiến
nước này đánh mất lợi thế trước các đối thủ như Việt Nam.
>
Bangkok thành chảo lửaMột số công ty trong các lĩnh vực như dịch vụ
hay công nghiệp nhẹ đã bắt đầu chuyển hoạt động kinh doanh ra
khỏi Thái Lan. Những nhà đầu tư dài hạn hơn cũng đang toan tính
có nên tiếp tục ở lại "xứ sở nụ cười".
|
Bức chân dung Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva trước đống hoang tàn của trung tâm mua sắm Central World sáng nay ở Bangkok. Đây từng là một trong các trung tâm mua sắm lớn nhất của Đông Nam Á. Ảnh: AP. |
Hôm qua, chính phủ Thái phát động chiến dịch
đàn áp cuối cùng vào khu trung tâm Bangkok mà người biểu tình
đã đóng trại hơn một tháng. Binh sĩ Thái nổ súng vào trại áo
đỏ, xe bọc thép cán đổ hàng rào bằng lốp xe và tre nứa của
người biểu tình. Ít nhất 6 người chết, đưa tổn thất về nhân
mạng đến nay là 74 người từ khi áo đỏ bắt đầu biểu tình hồi
giữa tháng 3.
Sau khi các thủ lĩnh áo đỏ tuyên bố đầu hàng,
người biểu tình vẫn tiếp tục phóng hỏa đốt ít nhất 27 tòa
nhà bao gồm sàn chứng khoán, công ty điện lực, ngân hàng và trung
tâm mua sắm.
Thái Lan từng được các nhà đầu tư nước ngoài
đánh giá là miễn nhiễm với bất ổn chính trị. Nơi này được gắn
với hình ảnh của những bãi biển đầy nắng, những con người
tươi cười, nồng ấm khỏa lấp khoảng cách giàu nghèo ngày càng
gia tăng.
Nhưng hai đợt khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong
gần ba năm qua đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn về Thái Lan.
Với số người chết gia tăng, khu vực trung tâm thủ đô thành mảnh đất
hoang không bóng người, Thái Lan giờ đây mang hình ảnh của một đất
nước không thể kiểm soát và suy yếu.
Quan điểm của giới kinh doanh về Thái Lan cũng
thay đổi đáng kể.
"Các công ty bây giờ đang cân nhắc liệu có nên
tiếp tục đầu tư vào Thái Lan hay không. Cách nghĩ của họ thay
đổi so với trước kia, khi Thái Lan luôn được xem là một nơi dễ
mến và thu hút khách", Jacob Ramsay, nhà nghiên cứu Đông Nam Á
của Control Risks, công ty tư vấn rủi ro chính trị ở Singapore,
phát biểu. "Tình hình đang tác động đến tất cả các công ty từ
sản xuất đến công nghiệp nặng".
Suốt ba năm qua, ngành du lịch Thái Lan bị vùi dập tơi
tả vì những cuộc biểu tình ngày càng gia tăng về độ bạo lực. Giờ đây,
ngành công nghiệp này suy sụp khi hàng loạt khách sạn 5 sao và
trung tâm mua sắm lớn hàng đầu châu Á phải đóng cửa trong thời
gian biểu tình. Áo đỏ chiếm một khu vực rộng 3 km vuông của
trung tâm thương mại Bangkok từ ngày 3/4.
Du lịch đóng góp 6% trong nền kinh tế lớn thứ
hai Đông Nam Á. Các chuyên gia phân tích cho rằng ngành này có thể
nhanh chóng gượng lại khi bạo lực chấm dứt song lòng tin của nhà đầu
tư vào sự ổn định của Thái Lan thì đã bị tổn thương và rất
khó hồi phục.
"Cuộc biểu tình đã tổn hại hình ảnh của Thái
Lan", Preston Chang, một nhà kinh doanh người Đài Loan, xuất khẩu
trái cây đóng hộp từ Thái Lan, nói. "Người Thái thường được
cho là thân thiện, hay cười và biết thông cảm. Người ta từng
nghĩ Thái Lan là đất nước ổn định về chính trị".
Cách nhìn đó đã thay đổi không thể cứu vãn
được bởi tình trạng hỗn loạn diễn ra trong tháng này. Một số
chuyên gia đánh giá cuộc khủng hoảng hiện tại tệ hại hơn rất
nhiều những cuộc bạo lực xảy ra trước đó như xung đột giữa
sinh viên và quân đội đầu những năm 70 và cuộc nổi dậy vì dân
chủ ở Bangkok năm 1992.
"Những cuộc biểu tình trước không đẫm máu thế
này", Chang nói. "Lần này, lòng tin của nhà đầu tư suy giảm
trầm trọng".
|
Nhà sư thuộc lực lượng áo đỏ kéo chiếc ghế để đồ đạc cá nhân của ông đi qua trung tâm Central World vẫn còn đang đang bốc khói. Ảnh: AP. |
Những người biểu tình áo đỏ cho rằng chính
quyền của Thủ tướng Abhisit lên nắm quyền bất hợp pháp. Họ cáo
buộc chính phủ đại diện cho tầng lớp trên của Bangkok và thờ ơ
với cuộc sống của người nghèo ở thành thị và nông thôn.
Cuộc biểu tình hiện nay cho thấy nông dân và
tầng lớp lao động Thái đã được chính trị hóa nhiều hơn rất
nhiều so với chính bản thân họ cách đây 10 năm. Biểu tình diễn ra
không lâu sau vụ chính biến năm 2006, lật đổ cựu thủ tướng
Thaksin Shinawatra.
Khi cuộc đảo chính giúp chấm dứt những cuộc biểu tình
kéo dài nhiều tháng trời diễn ra trước đó, các nhà đầu tư thở phào
nhẹ nhõm. Nhưng sau đó họ nhận ra đã lạc quan quá sớm.
Lực lượng áo vàng, đại diện cho hoàng gia và tầng lớp
trên, đổ xuống đường phố thủ đô sau khi phe thân Thaksin thắng cử cuối
năm 2007. Trong cuộc biểu tình kéo dài một tháng đó, áo vàng chiếm hai
sân bay của Bangkok, khiến 100.000 du khách mắc kẹt. Tòa án Thái
sau đó đã tuyên bố giải tán đảng thân Thaksin.
Không có nhiều khả năng các nhà sản xuất như General
Motors hay các ông lớn công nghiệp của Nhật, đang đầu tư hàng
chục tỷ USD vào các nhà máy ở Thái Lan, sẽ đột ngột dừng
góp vốn. Những công ty này đều trong trạng thái bị mắc kẹt ở
Thái Lan vì quy mô đầu tư của họ quá lớn.
Tuy nhiên, các công ty nhỏ, dễ dàng thu hẹp hoạt
động, thì có thể và đang rút vốn lại, vì đổ thêm tiền vào
Thái Lan vào thời điểm này là hành động khó hiểu. Các công ty
trước đó đã không mấy bằng lòng khi một tòa án đình chỉ 65
dự án ở một trong các khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan vì lý
do môi trường.
Theo các chuyên gia, nếu không có một dấu hiệu
rõ ràng rằng sự bất ổn định trong những năm qua sẽ kết thúc
thì ít người nghĩ tới chuyện khởi sự kinh doanh ở Thái Lan.
"Nhìn vào sự việc hiện nay có thể thấy rằng
cuộc bạo loạn sẽ kết thúc mà chưa có giải pháp tận gốc cho
những vấn đề cốt lõi gây chia rẽ các bên", Roberto Herrera-Lim,
một nhà nghiên cứu châu Á của tổ chức Eurasia Group, cho biết.
"Xét về yếu tố đầu tư dài hạn, sự rối loạn
hiện nay ở Thái Lan có thể tác động lớn đến những mối quan tâm
của các nhà đầu tư", ông nói. "Việc tiếp diễn cảnh bất ổn này trong
hai năm tới cũng sẽ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư từ 3-5 năm chẳng
hạn như xây dựng một nhà máy mới".
Theo đánh giá của Andrew Yates, một giám đốc
của Asia Plus Securities, chi nhánh ở Thái của Ngân hàng hoàng
gia Scotland, thì các tổ chức tài chính như ngân hàng và đơn vị
môi giới cũng có thể thu hẹp phạm vi hoạt động. Một số công
ty đã buộc phải đưa nhân viên của họ ra nhiều địa điểm khác
nhau của thành phố khi bạo lực bất ngờ leo thang.
"Rồi đây có thể thấy ngành công nghiệp tài
chính sẽ chuyển nhân viên từ Bangkok đến những nơi như Singapore",
Yates nói.
Chang, một nhà xuất khẩu trái cây và là chủ
tịch Hiệp hội kinh doanh Thái Lan - Đài Loan, cho biết các lĩnh
vực kinh doanh của Đài Loan từ giày đến sản xuất đồ gỗ đang
dịch chuyển sang Việt Nam trong năm qua. Riêng công ty của Chang,
Thai Bonanza, đã chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam và bắt
đầu xuất khẩu trái cây ở đây từ năm ngoái. Chang cho biết ông
muốn giảm phụ thuộc vào Thái Lan bỏi nước này ngày càng bất ổn.
Chang cũng tiết lộ trong năm 2009, các nhà sản
xuất Đài Loan đã cam kết rót hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy
và các trang thiết bị ở Việt Nam, so với chỉ 200 triệu USD mà
họ đổ vào Thái Lan.
Nandor G. von der Leuhe, Chủ tịch hiệp hội các
phòng thương mại nước ngoài tại Thái Lan, cho biết ngày càng
nhiều công ty nghiên cứu tính khả thi của việc di chuyển hoạt
động sang các thành phố khác trong khu vực. Ông cảnh báo thiệt
hại sẽ tăng lên mỗi ngày khi bạo lực tiếp tục. "Hoặc là luật
pháp và trật tự phải được khôi phục; hoặc là Thái Lan sẽ
gánh chịu hậu quả".
Hải Minh